Viêm amidan là bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là độ tuổi học đường. Trong điều trị viêm amidan, kháng sinh là nhóm thuốc được sử dụng khá phổ biến, tuy nhiên không phải ai cũng nắm được các nguyên tắc cơ bản và lưu ý khi sử dụng các thuốc này.
Mục lục
Amidan và viêm amidan
Amidan là các tổ chức miễn dịch xếp thành vòng tròn quanh họng có tên gọi là vòng bạch huyết họng hay vòng Waldeyer. Thực chất, amidan chỉ tất cả các mô bạch huyết thuộc cấu trúc này, chúng bao gồm amidan khẩu cái, amidan lưỡi, amidan vòi, amidan vòm (amidan vòm còn được gọi là VA). Tuy nhiên, viêm amidan sẽ được hiểu là viêm amidan khẩu cái, tức 2 amidan lớn ở 2 bên cuống lưỡi.
Hiện tượng viêm amidan xảy ra phổ biến ở trẻ trong độ tuổi học đường, do đây là giai đoạn phát triển và hoạt động mạnh mẽ nhất của amidan. Amidan có cấu tạo phù hợp với việc tóm bắt vi khuẩn, virus, các tác nhân gây bệnh khác từ không khí đi vào khoang họng (chứa kháng nguyên). Tại đây, các tế bào miễn dịch sẽ tiếp nhận, xử lý kháng nguyên và tạo ra kháng thể cũng như thành lập trí nhớ miễn dịch cho cơ thể. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của amidan để giúp cho hệ miễn dịch của bé trưởng thành dần theo thời gian.
Vòng bạch huyết họng
Viêm amidan là tình trạng viêm tại amidan khẩu cái, nguyên nhân có thể do virus hoặc vi khuẩn. Bệnh thường gặp vào mùa thu – đông, đặc biệt là giai đoạn chuyển mùa. Một số trẻ có sức đề kháng kém dễ mắc viêm amidan hơn. Các triệu chứng điển hình của viêm amidan có thể kể đến:
- Sốt cao, có thể sốt đến khoảng 39 độ, người mệt mỏi, trẻ biếng ăn.
- Amidan sưng đỏ, có thể xuất hiện chấm mủ trẳng trên mặt amidan. Họng khô rát, đau, cảm giác đau có thể lan lên tai, đau tăng khi nuốt và ho.
- Ho, đờm, có thể chảy mũi, khò khè, ngủ ngáy.
Xem thêm: Triệu chứng nhận biết trẻ bị viêm amidan
Điều trị viêm amidan
Điều trị triệu chứng:
- Hạ sốt: dùng thuốc khi nhiệt độ cơ thể cao hơn 38,5ºC, thường dùng paracetamol, cần chú ý liều lượng và khoảng cách dùng.
- Giảm ho, long đờm: không tự ý dùng thuốc tây để giảm ho, long đờm cho bé. Có thể sử dụng các loại siro thảo dược.
Các biện pháp chăm sóc:
- Nghỉ ngơi, cho trẻ ăn chế độ ăn lỏng hoặc thức ăn mềm, dễ nuốt, uống đủ nước.
- Súc miệng nước muối hoặc dung dịch kiềm ấm, nhỏ mũi.
- Bổ sung dinh dưỡng, các yếu tố vi lượng để nâng cao sức đề kháng cho con
Khi nào dùng kháng sinh và dùng kháng sinh gì khi bị viêm amidan ?
Các kháng sinh thông thường chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn mà không tác dụng với các tác nhân gây bệnh khác như virus, nấm, sinh vật đơn bào…Việc lạm dụng kháng sinh trong các trường hợp bệnh không do vi khuẩn gây tăng khả năng đề kháng kháng sinh. Vì vậy, kháng sinh chỉ được chỉ định cho các trường hợp viêm amidan do vi khuẩn. Việc xác định nhiễm khuẩn chính xác nhất là bằng xét nghiệm vi sinh, tuy nhiên do kết quả vi sinh thường cần thời gian và bị ảnh hưởng với chất lượng phòng xét nghiệm, các bác sỹ có thể dựa vào các dấu hiệu lâm sàng đặc trưng và xét nghiệm cận lâm sàng để ra chỉ định trong các trường hợp thông thường, việc sử dụng kháng sinh nào sẽ căn cứ vào các tác nhân thường gặp nhất của viêm amidan cũng như tình trạng kháng thuốc của địa phương.
Lực chọn kháng sinh phải phù hợp với tác nhân gây bệnh
Dựa vào các tác nhân thường gặp của viêm amidan, một số kháng sinh β- lactam có phổ kháng khuẩn hẹp, tác dụng trên vi khuẩn gram dương thường được ưu tiên lựa chọn. Trong đó amoxicillin, amoxicillin phối hợp acid clavulanic là các lựa chọn thường gặp, cefuroxim được kê đơn trong một số trường hợp vi khuẩn không còn nhạy cảm với các kháng sinh trên. Bệnh nhân nghi ngờ viêm amidan do liên cầu β tan huyết nhóm A có thể được kê đơn kháng sinh penicillin dài ngày nhằm dự phòng nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm như thấp tim, thấp khớp, viêm cầu thận cấp… Các trường hợp viêm amidan thông thường không ưu tiên lựa chọn các kháng sinh phổ rộng như cephalosporin thế hệ 3,4…
Các bệnh nhân có cơ địa dị ứng với kháng sinh penicillin sẽ được kê đơn kháng sinh nhóm macrolid thay thế mà không dùng nhóm β – lactam do lo ngại nguy cơ kháng chéo. Nếu bắt buộc phải dùng tiếp các kháng sinh cùng nhóm thì cần giám sát bệnh nhân chặt chẽ để xử lý kịp thời các tai biến nếu có.
Các loại kháng sinh dùng trong điều trị viêm amidan
Amoxicilin hoặc amoxicilin phối hợp acid clavulanic
Amoxicilin là kháng sinh nhóm penicillin, có tác dụng tốt trên các chủng vi khuẩn gây viêm amidan thường gặp. Một số chủng đã phát sinh đề kháng với amoxicilin bằng cách tiết ra men phá hủy cấu trúc kháng sinh, làm kháng sinh bị mất tác dụng có thể bị tiêu diệt bởi chế phẩm phối hợp amoxicilin và acid clavulanic. Chế phẩm phối hợp điển hình của 2 chất này là Augmentin.
Một số phản ứng phụ có thể gặp như phát ban, phản ứng trên tiêu hóa, dị ứng… đa phần là phản ứng nhẹ và tự mất. Tuy nhiên cần đặc biệt chú ý nếu trẻ có cơ địa dị ứng, các trường hợp có tiền sử dị ứng với kháng sinh penicillin cần được báo với bác sỹ để sử dụng thuốc khác thay thế.
Cefuroxim
Cefuroxim là kháng sinh cephalosporin thế hệ 2, thuốc có tác dụng tốt trên một số vi khuẩn như liên cầu khuẩn, tụ cầu, H.influenza,… đều là các tác nhân gây bệnh thường gặp ở đường hô hấp trên. Cefuroxim được chỉ định trong các trường hợp viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn nhạy cảm như viêm amidan, tuy nhiên chỉ khi amoxicilin hoặc amoxicilin – acid clavulanic không còn nhạy cảm. Biệt dược thông dụng là Zinnat.
Azithromycin
Azithromycin là một kháng sinh thuộc nhóm macrolid, có thể được bác sỹ kê đơn trong trường hợp viêm amidan thay thế cho kháng sinh β-lactam trên bệnh nhân có nguy cơ dị ứng. Một trong các đặc tính quan trọng của Azithromycin là có thời gian bán hủy kéo dài do thuốc tập trung với nồng độ cao tại mô, do đó cho phép sử dụng với khoảng cách liều lớn hơn và thời gian sử dụng kháng sinh ngắn hơn so với các kháng sinh thông thường. Biệt dược thông dụng của azithromycin là Zithromax.
Kháng sinh chỉ được dùng cho viêm amidan trong một số trường hợp nghi ngờ có nhiễm khuẩn và cần được chỉ định của bác sỹ, một số trường hợp đặc biệt cần sử dụng thận trọng và có giám sát của nhân viên y tế. Trong mọi trường hợp, việc dùng kháng sinh cần tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế, dùng đúng liều, đúng thời gian và dùng hết liệu trình được kê đơn, không tự ý bỏ dở liều mặc dù đã hết triệu chứng vì điều này dễ dẫn đến kháng thuốc.